NGUỒN GỐC XUẤT XỨ:
Giống lúa GS747 do tác giả Trần Thị Bích Lan và các cộng sự Bộ môn Sinh học Phân tử Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo.
CÁCH BẢO QUẢN:
Bảo quản hạt giống nơi khô ráo và thoáng mát. Không sử dụng hạt giống sau thu hoạch để làm giống cho vụ sau vì năng suất sẽ giảm.
I. ĐẶC TÍNH NÔNG HỌC- GS747 là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn:
- Vụ xuân: 125 - 130 ngày. Vụ mùa: 100 - 105 ngày
- Chiều cao cây: 90- 95 cm
- Dạng hình gọn, bộ lá đứng, bản lá rộng, lá đòng lòng mo, đẻ nhánh khỏe(7-8 bông /khóm), thân cứng, chống đổ tốt.
- Bông dài, trỗ thoát, số hạt/bông 170 - 230 hạt, tỷ lệ hạt chắc cao 85-95%,hạt thóc màu vàng sẫm. Khối lượng 1000 hạt: 20,5- 22,0 gram, hạt gạo trong, cơm mềm không dính. Tỷ lệ gạo xát >70%
- Năng suất trung bình 7,0 – 7,5 tấn/ha, thâm canh cao có thể đạt trên 8 tấn/ha.
- Kháng bênh đạo ôn, chống chịu tốt khô vằn, bạc lá, sâu cuốn lá, Sâu đục thân, Rầy nâu
- Khả năng thích ứng rộng, có thể gieo cấy trên nhiều chân đất ( vàn cao,vàn...).
- Thích ứng với cơ cấu xuân muộn và mùa sớm
KỸ THUẬT CANH TÁC1. Thời vụ:
- Các tỉnh phía Bắc: Vụ Xuân: Gieo 15/1 – 5/2, cấy trong tháng 2; Vụ Mùa: Gieo 5- 25/6, tuổi mạ 15-18 ngày.
- Các tỉnh miền Trung được gieo cấy ở vụ Đông Xuân và Hè Thu. Vụ Đông Xuân: Gieo 10/12-25/12, Vụ hè thu: Gieo 25/4-15/5, tuổi mạ 15-20 ngày.
Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của giống DT57-GS747, tập quán canh tác của từng địa phương và diễn biến thời tiết, có thể xây dựng quy trình gieo cấy phù hợp.
2. Kỹ thuật làm mạ:
2.1. Chuẩn bị hạt giống:
Ngâm ủ mạ: Xử lý hạt giống trong nước ấm 540C (3 sôi + 2 lạnh) trong vòng 15 phút để diệt trừ nấm bệnh & kích thích nảy mầm, lượng nước khi ngâm cần ngập 3-5 lần lượng thóc.Vớt bỏ các hạt lép, lửng & tạp chất sau đó ngâm vào nước sạch trong thời gian 48 giờ, cứ 10 – 12 giờ thay nước sạch một lần. Khi hạt thóc đủ nước cho ủ đến khi hạt thóc nứt nanh. Tiêu chuẩn mộng tốt có rễ có mầm, tỷ lệ rễ khoảng 1/3 – 1/2 hạt thóc.
2.2. Gieo mạ và chăm sóc:
- Gieo mạ: Sau khi kiểm tra thấy thóc giống nứt nanh thì hôm sau làm đất để gieo ngay. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để có mạ tốt, phát triển đồng đều, sạch bệnh, đủ mạ.
- Bón phân cho mạ: Bón lót cho 1 ha mạ với lượng phân chuồng 10 tấn + 46kgN + 90kg P2O5 + 50kg K2O. Sau khi chia luống thì bón lót mặt, dùng cào vùi phân vào bùn lớp bề mặt 3-5cm. trang phẳng mặt luống bằng trang gỗ sao cho nước không đọng trên bề mặt luống.
Bón thúc khi mạ được 2 lá với lượng phân: (46kgN + 50kg K2O)/ha để kịp thời cung cấp dinh dưỡng cho cây mạ sinh trưởng tốt.
- Tưới nước cho mạ: Sau khi mạ đựơc 1,5 lá đưa nước vào ruộng cho láng mặt ruộng và luôn giữ đủ nước để ruộng mạ mềm bùn.
3. Kỹ thuật sản xuất lúa cấy
3.1. Mật độ cấy:
Lúa cấy mật độ 40-45 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm
3.2. Bón phân cho lúa:
- Lượng phân bón:
Loại phân | 360 m2 | 500 m2 | 1ha |
Phân chuồng (Kg) | 300 – 400 | 450 – 500 | 8000 – 10.000 |
Ure (Kg) | 6 – 8 | 9 -11 | 175 - 220 |
Phân lân (Kg) | 15 – 20 | 20 – 25 | 400 - 450 |
KaliClorua(Kg) | 5 – 7 | 7 - 9 | 150 - 170 |
- Cách bón: + Bón lót trước khi bừa cấy:Toàn bộ số phân chuồng, phân lân và 30% đạm urê.
+ Bón thúc lần 1: sau cấy 7-10ngày khi lúa đã hồi xanh: 50% đạm urê và 30% kali kết hợp với làm cỏ đợt 1.
+ Bón thúc lần 2: Bón đón đòng khi lúa kết thúc đẻ nhánh, bắt đầu phân hóa đòng, bón hết số phân còn lại (10-20% đạm urê +60-70% kali). trong trường hợp cuối vụ không có mưa thì sau khi lúa trỗ báo (khoảng 5%) có thể bón tăng thêm 10% đạm, 10% kali để tăng tỷ lệ hạt chắc
Chủ động tưới tiêu để tạo cho rễ lúa ăn sâu, hút được nhiều dinh dưỡng, chuyển hóa giai đoạn tốt:đẻ nhanh, trỗ và chín tập trung
4. Phòng trừ sâu bệnh:
Thường xuyên thăm đồng phát hiện sâu bệnh hại để kịp thời phun thuốc.
- Sâu cuốn lá : Giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh đến cuối đẻ nhánh có hai lứa sâu cuốn lá, giai đoạn đầu đẻ nhánh nếu mật độ sâu cuốn lá thấp thì không cần phun thuốc, quan trọng nhất là giai đoạn cuối đẻ nhánh làm đòng mật độ 5-8 con/m2 cần phun thuốc phòng trừ.
- Sâu đục thân : Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng theo dõi mật độ sâu trên ruộng 0,3-0,4 ổ trứng/m2, giai đoạn bắt đầu trỗ 0,5-0,7 ổ trứng/m2, cần phun thuốc phòng trừ. Dùng Basudin 10G, Diaphos 10G, Padan 955P.
- Rày: Giai đoạn làm đòng và giai đoạn trỗ chín theo dõi mật độ rày trên ruộng 67con/khóm và 17-25 con/khóm tiến hành phun thuốc phòng trừ. Dùng Basudin 10G, Diaphos 10G, Padan 955P.
- Bệnh khô vằn: Dùng Validacin 3SL, 5L, 5SP; Vacocin 3SL;Anlicin 5WP, 5SL; Hạt vàng 50WP; Tien 250EW
- Bệnh đạo ôn: Dùng New Hinosan 30EC,Kitazin 50EC, Kasai 21,2% trừ đạo ôn lá; thuốc Fujione 40EC, Beam 75WP trừ đạo ôn lá, cổ bông.
(Cách phun, nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì của từng loại thuốc).
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG
Theo tiêu chuẩn QCVN 01–54 : 2011/BNNPTNT
- Độ thuần ≥ 99,5%
- Độ sạch ≥ 99%
- Tỷ lệ nảy mầm ≥ 80%
- Độ ẩm ≤ 13,5%
- Hạt cỏ dại ≤ 10 hạt/kg
- Hạt giống khác ≤ 0,3%